Lượt xem: 399

Kế Sách có nhiều chuyển biến tích cực về sản xuất nông nghiệp

Huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng là địa phương chuyên về sản xuất nông nghiệp. Do đó, để phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, ngay từ đầu năm 2023 huyện đã tập trung triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp. Qua 9 tháng năm 2023 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, giá trị sản lượng thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 200 triệu đồng/ha; tỷ lệ diện tích vườn cây ăn trái có hiệu quả kinh tế chiếm hơn 55% (lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/ha/năm).

 


Cây ăn trái, đặc biệt là trái vú sữa tím là một trong những loại trái cây “nổi tiếng” của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Theo đó, trong 9 tháng năm 2023, diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn huyện thực hiện được 27.485 ha, trong đó diện tích lúa được ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ với công ty, doanh nghiệp 1.800 ha (tăng 300 ha so cùng kỳ). Năng suất bình quân 6,41 tấn/ha, sản lượng đạt 176.368 tấn, tăng 15.785 tấn so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng lúa đặc sản chiếm gần 82%. Lúa sau thu hoạch tiêu thụ thuận lợi, giá bán tăng từ 1.200 - 1.400 đồng/kg, nông dân có lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Cùng với đó, để nâng cao chất lượng lúa, huyện triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về cây màu phát triển khá, diện tích gieo trồng 1.530 ha.

    Ngoài cây lúa, cây ăn trái được xem là thế mạnh của huyện Kế Sách, diện tích cây ăn trái toàn huyện hơn 18.000 ha, với các giống cây ăn trái như: Nhãn, sầu riêng, vú sữa, măng cụt, chôm chôm, mít, mận, xoài, bưởi, cam… Trong đó, diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 229 ha, có 9 xã được cấp 42 mã số vùng trồng, diện tích 387 ha trên 5 loại cây ăn trái (bưởi, nhãn, xoài, sầu riêng, vú sữa). Cùng với đó, huyện đang thực hiện mô hình chuyển đổi cây thanh nhãn thay thế nhãn tiêu da bò tại các xã: Nhơn Mỹ, An Lạc Tây. Về tình hình tiêu thụ trái cây có nhiều biến động, giá bán một số loại trái cây tăng 1,5 lần so cùng kỳ như: Mận, sầu riêng, mít.

    Bên cạnh đó, để sản xuất trái cây số lượng lớn cùng chất lượng, đáp ứng thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã thành lập 25 hợp tác xã trồng cây ăn trái; trong đó, có 8 hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP (nhãn, bưởi, xoài, vú sữa, cam), 10 hợp tác xã cây ăn trái được cấp nhãn hiệu tập thể. Trong 9 tháng năm 2023, có 14 hợp tác xã làm đầu mối liên kết với các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ 865 tấn trái cây các loại, trong đó có hơn 51 tấn bưởi da xanh, bưởi 5 roi xuất khẩu sang thị trường châu Âu; hơn 16 tấn sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và hơn 118 tấn vú sữa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

    Lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn heo trên địa bàn huyện có hơn 20.644 con, đạt trên 82% kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ; đàn gia cầm hiện có 883.000 con, đạt trên 73% kế hoạch; đàn bò hơn 1.153 con, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản các loại gần 3.000 ha, tăng hơn 10% so cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi cá tra 98 ha, tăng 78% so cùng kỳ.

    Riêng đối với công tác xây dựng nông thôn mới của huyện đã được triển khai đồng bộ, nhằm thực hiện đạt mục tiêu các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình huyện đã đề ra. Đến nay, toàn huyện có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 20 ấp văn hóa đạt tiêu chí nông thôn mới. Hiện tại, xã Trinh Phú đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023…

    Theo đồng chí Lê Vũ Đức – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kế Sách: Trong các tháng còn lại của năm 2023, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp thông qua việc tập trung cơ cấu mùa vụ sản xuất lúa, màu, cây ăn trái, chăn nuôi phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Chủ động kiểm soát dịch bệnh, ứng phó ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác gắn với kiểm tra, giám sát, quản lý các vùng trồng được cấp mã số và hỗ trợ cấp mới mã vùng trồng các loại trái cây có lợi thế của huyện như: Sầu riêng, vú sữa, bưởi... Tranh thủ các sở, ngành tỉnh liên quan sớm xây dựng Trung tâm thu mua - Cung ứng nông sản an toàn tại xã Nhơn Mỹ. Tăng cường theo dõi, thông tin diễn biến thời tiết, ảnh hưởng triều cường, bão trong những tháng cuối năm, kịp thời thông tin đến người dân chủ động ứng phó, đảm bảo sản xuất, bảo vệ cây trồng. Thường xuyên khảo sát, kiểm tra hệ thống các tuyến đê bao, bờ bao, kịp thời duy tu bảo dưỡng các đoạn xung yếu, khắc phục sự cố sạt lở, nhất là các xã vùng ven sông Hậu, vùng trũng thấp…

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 70
  • Hôm nay: 3552
  • Trong tuần: 72,885
  • Tất cả: 11,866,912